Tuân Đạo, Quý Đức.

1- Đại Đạo trôi nổi, nó có thể đi sang trái hay phải. Vạn vật nương vào nó mà sinh, nhưng nó không từ chối vạn vật. Sự đã thành, nhưng nó không tự xưng là có. Thương yêu nuôi dưỡng muôn loài nhưng nó không cho mình là chủ, và thường không ham muốn. Có thể gọi tên nó là nhỏ; muôn vật trở về nó mà nó không coi mình là chủ, nên có thể gọi tên là lớn. Thánh nhân suốt đời không cho mình là lớn, cho nên thành được việc lớn của mình.

2- Đạo Trời như giương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu. Đạo người chẳng vậy, bớt thiếu bù dư. Ai đem chỗ dư bù đắp cho thiên hạ? Phải chăng chỉ có người có Đạo? Cho nên thánh nhân làm mà không cậy công. Công thành không ở lại; không muốn ai thấy tài mình.

3- Bậc đắc đạo ngày xưa thì tinh vi, huyền diệu, thông đạt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che giấu và chẳng đổi mới.

4- Hư không cùng cực, hết sức yên tĩnh. Vạn vật đua sống, ta nhân đó xem chúng trở về (nguồn). Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội rễ là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là trường cửu. Biết «trường cửu» mới là sáng suốt. Không biết trường cửu sẽ làm càn và gây hung họa. Biết «trường cửu» sẽ thung dung như công hầu vương tước, sẽ hợp với Trời với Đạo. Hợp Đạo rồi sẽ trường cửu: thân có mất đi, cũng chẳng nguy hại gì.

5- Những vật xưa được Đạo: Trời được Đạo, nên trong. Đất được Đạo, nên yên. Thần được Đạo, nên linh. Hang được Đạo, nên đầy. Vạn vật được Đạo, nên sống. Hầu vương được Đạo, nên trị vì thiên hạ.

6- Đạo là bí quyết muôn loài, là kho báu của người tốt, là chỗ bảo bọc cho người không tốt. Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng; mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người. Nhờ Đạo mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy. Cho nên lập thiên tử, lập tam công tuy tay cầm ngọc bích, tuy thân ngồi xe tứ mã, nhưng vẫn không bằng ngồi mà đưa Đạo vào bản thân mình và vào người khác. Người xưa quí Đạo là vì sao? Há chẳng có lời rằng: Cầu Đạo thời được, có tội thời được khỏi sao? Cho nên Đạo quí nhất thiên hạ.

7- Có đạo trời cũng có đạo người. Vô vi mà tôn quý, đó là đạo trời. Hữu vi [lao tác] mà lụy thân, đó là đạo người. Cái chính yếu là đạo trời, cái phụ trợ là đạo người. Đạo trời và đạo người xa nhau. Điều đó không thể không xem xét rõ vậy.

8- Đạo là khởi nguyên của vạn vật. Vật nào mất đạo thì chết, được đạo thì sống, nghịch đạo thì thất bại, thuận đạo thì thành công. Cho nên, thánh nhân rất quý trọng sự hiện hữu của Đạo.

9- Đạo vốn không hợp với hành vi nhỏ mọn; đức vốn không hợp với thành kiến hẹp hòi. Thành kiến hẹp hòi làm hại đức; hành vi nhỏ mọn làm hại đạo. Cho nên nói: Phải sửa mình, thế thôi. Bảo toàn được chân tính để vui sướng gọi là đạt được chí nguyện.

10- Người biết đạo ắt sẽ thông đạt sự lý. Người thông đạt sự lý sẽ hiểu rõ sự quyền biến. Người hiểu rõ sự quyền biến ắt không để vật chất làm hại thân.

11- Đạo thường vô vi nhưng không gì không làm. Thánh nhân ôm ấp đạo trong lòng. Nguyên do ở đâu? Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình. Không có gì khác. Tích chứa điều thiện để thành đức, thì mình sẽ trở thành thần minh. Cho nên, dù có ai xung đột gây gỗ với mình thì mình cũng không trách họ.


12- Đạo rốt cuộc là không thể đắc. Cái có thể đắc thì gọi là đức chứ không gọi là đạo. Đạo rốt cuộc là không thể vận dụng. Cái có thể vận dụng được thì gọi là hành chứ không gọi là đạo. Thánh nhân có thể vận dụng cái khả đắc (tức là đức) và cái khả hành (tức là hành) nên giỏi về sự sống. Thánh nhân có thể vận dụng cái bất khả đắc bất khả hành (tức là đạo) nên giỏi về sự chết.

13- [Người có] đạo lớn và chân thực lấy thì tiết tháo khắc khổ và hành vi chính trực làm điều quan trọng; không vọng cầu ở người khác; không tự tôn mà phóng túng; chỉ mong là người không dám buông trôi theo đời và đắm say thế tục.

Đạo sinh vạn vật, đức dưỡng chúng, vật chất cho chúng hình, hoàn cảnh tác thành chúng. Cho nên vạn vật đều tôn đạo, quí đức. Sự cao trọng của đạo đức chẳng nhờ ai ban, mà đạo đức tự nhiên vốn đã cao trọng. Cho nên đạo sinh, đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật, tác thành che chở vạn vật. Sinh ra vạn vật mà không nhận chúng là sở hữu của mình; làm mà không cậy công; làm cho chúng phát triển mà không đòi làm chủ tể. Đó gọi là đức sâu dày.

14- Bậc thượng đức không tỏ ra là có đức, nên có đức. Người hạ đức câu nệ vào đức, nên vô đức. Bậc thượng đức thì vô vi và không lụy sự việc. Người hạ đức có lao tác và lụy sự việc. Bậc thượng nhân có lao tác nhưng không lụy sự việc. Bậc thượng nghĩa có lao tác nhưng lụy sự việc. Bậc thượng lễ có lao tác; nhưng hễ không được người khác hưởng ứng, thì xắn tay áo lôi kéo người theo. Cho nên mất đạo thì xét đến đức. Mất đức thì xét đến nhân. Mất nhân thì xét đến nghĩa. Mất nghĩa thì xét đến lễ. Mà lễ là lòng trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là khởi đầu cho loạn lạc. Không biết mà nói rằng biết, đó là hào nhoáng của đạo và là khởi đầu của ngu si. Cho nên bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng. Đó là bỏ cái kia (hào nhoáng, mỏng mảnh) mà giữ cái này (dày dặn, thực chất).

15- Người đức dày, [tâm hồn nhiên] như trẻ sơ sinh. Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.

16- Nếu không khắc chế tâm mà tính cách vẫn cao thượng, không bàn nhân nghĩa mà vẫn có sự tu dưỡng, không có công danh mà thiên hạ vẫn thịnh trị, không ngao du sông hồ mà vẫn nhàn tản, không luyện hô hấp mà vẫn sống lâu, quên hết mà vẫn có đủ, điềm đạm và tĩnh lặng cực độ mà mọi điều tốt đẹp tuân theo mình; người như thế đã đạt được đạo của trời đất và đức của thánh nhân. Cho nên nói: «Điềm đạm, tĩnh lặng, hư vô, vô vi, đều là các đức tính nhằm duy trì sự quân bình của trời đất, mà chúng cũng là tính chất của đạo và đức.» Cho nên nói: «Thánh nhân nghỉ ngơi ắt tâm sẽ bình dị (quân bình dễ chịu). Bình dị ắt sẽ điềm tĩnh. Bình dị và điềm tĩnh ắt sẽ không lo lắng và bệnh hoạn, tà khí sẽ không xâm nhập. Do đó, đức của ngài toàn vẹn và thần của ngài không thương tổn.»

17- Bậc chí đức vào lửa không nóng, vào nước không chìm, nóng lạnh không hại được, cầm thú không hại chết nổi. Nó không có nghĩa là ngài coi thường những thứ ấy, mà nghĩa là ngài xem xét rõ giữa an và nguy, điềm tĩnh trước phúc và họa, cẩn thận khi tiến thoái. Cho nên không thứ gì có thể hại được ngài. Do đó nói: «Trời bên trong, người bên ngoài. Đức ở trời. Nếu ai biết sự vận hành của trời và người thì lấy trời làm gốc mà lập thân ở đức, thì người đó có thể tiến thoái, co duỗi, trở về cái thiết yếu mà luận bàn sự cực hạn của đạo.»
093. Chí đạo giả bất dĩ phủ trệ nhi cải đồ, thủ chính giả bất dĩ mạc thưởng nhi cẩu hợp. [Cát Hồng, Bão Phác Tử, chương Quảng Thí]

18- Bậc chí tâm theo đạo không vì những nghịch cảnh mà thay đổi chí hướng của mình; người giữ sự thuần chính không vì không được tán thưởng khen ngợi mà cẩu thả tự buông trôi theo thế tục.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh