Nhân vật, Thần tiên.
1- Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong thiên hạ có bốn thứ
lớn, mà người là một.
2- Ta chưa hề khoe khoang; ta gởi gấm hình hài của mình trong trời đất,
và nhận lãnh khí âm dương. Giữa nơi trời đất, ta như hòn đá nhỏ hay cái cây
cỏn con trên núi lớn. Vì hiểu phận nhỏ nhoi, có gì đâu mà khoe khoang tự
đắc? Xét xem bốn biển đối với trời đất, khác gì những lỗ nhỏ trong đống đá
đối với ao đầm lớn? Xét xem Trung Quốc đối với bốn biển, khác gì hạt gạo nhỏ
trong kho lẫm lớn? Vạn vật muôn loài, con người chỉ là một chủng loại trong
đó. Chúng dân trong Cửu Châu (tức Trung Quốc), sống bằng lúa gạo, đi lại
bằng thuyền xe, mỗi cá nhân thuộc số đó. So với vạn vật, khác gì sợi lông
trên mình ngựa đâu?
3- «Thân tôi chẳng phải là của tôi, vậy là của ai?» [Ông Thừa] đáp: «Nó
là cái hình hài mà trời đất cho anh. Sự sống không phải của anh, nó là sự
hài hòa âm dương mà trời đất cho anh. Tính mệnh không phải của anh, nó cũng
là sự hài hòa âm dương mà trời đất cho anh. Con cháu không phải của anh,
chúng là sự lột xác mà trời đất cho anh.»
4- Trời đất [tuy lớn cũng chỉ] bằng một ngón tay; vạn vật [dù nhỏ cũng]
bằng một con ngựa.
5- Vạn vật có phân ly, ắt có thành tựu. Có thành tựu, ắt có hủy diệt. Vạn
vật [thực chất] không có thành tựu và không có hủy diệt, bởi vì tất cả đều
trở về với Một (tức là Đạo).
6- Ngày xưa có người hiểu biết tới chỗ tột cùng. Chỗ tột cùng ấy ở đâu?
Có kẻ cho rằng: lúc vũ trụ ban sơ chưa hình thành sự vật mới là chỗ tột
cùng, tận cùng, không thể thêm gì được nữa.
7- Thiên hạ không có gì lớn bằng cái đầu chiếc lông của chim và thú vào
mùa thu; còn núi Thái thì nhỏ. Không có gì sống lâu bằng đứa trẻ chết non;
còn ông Bành Tổ thì chết yểu. Trời đất với ta cùng sinh ra; vạn vật với ta
là một.
8- Có lần Trang Chu tôi mộng thấy mình biến thành bướm, bay lượn khoái
chí, tôi chẳng biết nó là Chu. Đột nhiên tôi tỉnh dậy, biết mình đích thực
là Chu. [Tôi không biết trước đó] Chu mộng thấy biến thành bướm, hay bướm
mộng thấy biến thành Chu? Nhưng giữa Chu và bướm ắt phải có sự phân biệt. Đó
gọi là sự chuyển hoá qua lại giữa sự vật.
9- Trong thiên hạ, vạn vật đồng nhất nhau.
10- Trang Tử cùng Huệ Tử dạo chơi trên cầu sông Hào. Trang Tử nói: «Bầy cá
nhỏ bơi lội tung tăng nhởn nhơ, đó là niềm vui của cá.» Huệ Tử vặn: «Ông
không phải là cá, sao lại biết cá đang vui?» Trang Tử vặn lại: «Ông không
phải là tôi, sao biết tôi không biết được niềm vui của cá?
11- Trời đất vận hành theo qui cách tuyệt vời nhưng trời đất có nói gì
đâu, bốn mùa có phép tắc rõ ràng nhưng chúng có nghị luận gì đâu, vạn vật
đều có lý lẽ sinh thành riêng nhưng chúng có nói gì đâu.
12- Vạn vật chỉ là một. Cái mà thiên hạ khen ngợi là sự thần kỳ. Cái mà
thiên hạ chán ghét là sự thối nát. [Nhưng] thối nát biến hóa trở lại thành
thần kỳ; thần kỳ biến hóa trở lại thành thối nát.
13- Bậc chân nhân ngày xưa không bị kẻ trí thuyết phục, không bị người đẹp
làm cho dâm loạn, không bị kẻ xấu trộm cướp, không kết giao với Phục Hi và
Hoàng Đế.
14- Bậc chí nhân thì quên mình để thuận ứng theo sự vật, thần nhân thì
không mong cầu công lao, thánh nhân thì không mong cầu danh tiếng.
15- Bậc chân nhân ngày xưa không chê ít, không cậy thành công, không mưu
tính. Được như vậy, dù có lỗi lầm cũng không hối hận, dù làm điều chính đáng
cũng không tự đắc. Được như vậy, dù leo cao cũng không run sợ, dù vào nước
cũng không ướt, dù vào lửa cũng không nóng. Chỉ có người đạt đạo mới như
thế.
16- Bậc chân nhân ngày xưa lúc ngủ không mộng mị, lúc thức không ưu tư,
lúc ăn không cầu món ngon, lúc thở thì thở sâu.
17- Bậc chân nhân thuở xưa không ham sống ghét chết; sinh ra không cảm
thấy vui, lúc chết thì không kháng cự nó; ung dung tự tại lúc chết cũng như
lúc sinh; không quên gốc gác của mình, không mong cầu cái chết; được cái gì
thì vui [nhưng] mất nó [thì chẳng buồn] vì biết nó trở về với thiên đạo. Thế
gọi là không lấy tư tâm để làm hại đạo, không lấy [sự tạo tác] của người để
giúp trời. Đó gọi là chân nhân.
18- Sự sống của thánh nhân cũng theo sự vận hành của thiên đạo, cái chết
của ngài cũng như sự biến hoá của vạn vật. Khi ngài tĩnh lặng thì cùng tĩnh
với âm; khi động thì cùng động với dương. Ngài không xem việc tạo phúc hay
gây họa là vấn đề trước tiên. Khi bị tác động mới phản ứng, khi bị bức bách
mới ra tay, bất đắc dĩ mới khởi sự. Bỏ trí tuệ và tập quán mà thuận theo
thiên lý (lẽ trời). Vì thế, ngài không bị trời giáng tai họa, không bị vật
chất làm hệ lụy, không bị tiếng đời thị phi, không bị quỷ thần trách phạt.
Cuộc sống của ngài phiêu bồng khinh khoát, cái chết của ngài như sự nghỉ
ngơi.
19- Người xưa tu đạo thì lấy sự điềm đạm để nuôi dưỡng trí tuệ. Trí tuệ
sinh ra nhưng không lấy nó để thi hành hay tạo tác gì cả. Đó gọi là lấy trí
tuệ để nuôi dưỡng điềm đạm.
20- [Cho nên ngài] sống không cần tước vị; chết không màng tên thụy; không
gom góp tích trữ của nả; không cầu danh tiếng. Đó gọi là bậc đại nhân.
21- Bậc đắc đạo ngày xưa khi khốn cùng vẫn vui, khi hanh thông vẫn vui.
Niềm vui ấy chẳng phải tuỳ thuộc vào khốn cùng hay hanh thông. Đạo và đức
đạt tới mức ấy thì cùng khốn hanh thông cũng như lạnh nóng hay mưa gió nối
tiếp nhau thôi.
22- Người đời không thể yên tâm nghỉ ngơi; có bốn nguyên do: một là muốn
sống lâu, hai là muốn danh tiếng, ba là muốn có địa vị, bốn là muốn có nhiều
tài sản của cải.
23- Lời xưa có nói: «Sống thì thương xót nhau, chết thì làm tổn hại nhau.»
Lời ấy chí phải.
24- Đất vì tính chất bất đồng nên sản sinh vật loại bất đồng. Cho nên, khí
núi nhiều thì sinh con trai, khí ao đầm nhiều thì sinh con gái, chướng khí
nhiều thì sinh con câm, phong khí nhiều thì sinh con điếc. [...] Đá nam châm
bay lên, đá vân mẫu dự tri nước mưa xuống, rồng đất dẫn mưa đến, chim én
chim nhạn thay người truyền đi tin tức. [...] Chỗ đất cứng thì cư dân cương
cường, chỗ đất yếu thì cư dân béo phì, chỗ đất đen cứng thì cư dân cao lớn,
chỗ đất cát thì cư dân tinh tế, chỗ đất màu mỡ thì cư dân xinh đẹp, chỗ đất
cằn thì cư dân xấu xí. Loài uống nước thì bơi giỏi và chịu lạnh giỏi, loài
ăn đất thì vô tâm mà thông tuệ, loài ăn gỗ thì mạnh mà lớn, loài ăn cỏ thì
chạy giỏi mà ngu, loài ăn lá thì nhả tơ và hóa bướm, loài ăn thịt thì dũng
cảm mà dữ tợn, loài ăn không khí thì có thần mà sống lâu, loài ăn ngũ cốc có
trí huệ và xinh đẹp, còn kẻ không ăn gì cả thì bất tử và trở thành thần
tiên.
25- Ba thứ khí (của tam tài) hợp lại thì ra thái hòa. Thái hòa là khí sinh
ra thái bình. Nếu tuyệt dứt ba khí này, hoặc chỉ cần một khí không thông
đạt, thì thái bình không xuất hiện. Về âm dương thì cũng phải trung hòa. Nếu
khí âm dương trung hòa thì vạn vật sinh sôi, dân chúng điều hòa, vua cai trị
thái bình.
26- Sự vật và đạo lý giữa cõi trời đất thực là không có giới hạn nhất
định. Lấy bụng dạ mà suy tìm, ở giữa hai cõi u hiển gồm có ba bộ phận mà thứ
loại có liên quan với nhau: lớp trên là tiên, lớp giữa là người, lớp dưới là
quỷ. Người làm việc thiện thì thành tiên, tiên phạm lỗi thì bị đọa xuống
trần gian làm người, người làm ác thì thành quỷ, quỷ tạo phúc cho thế gian
thì thành người. Quỷ bắt chước theo người, người bắt chước theo tiên. Tuần
hoàn qua lại như vậy. Chủng loại tiếp xúc thì thông với nhau, cái ranh giới
giữa hai cõi u hiển thật rất nhỏ nhặt vậy.
27- Vạn vật xem được làm người là tôn quý, người xem sự sống là quý báu.
Chỗ nương cậy của sự sống, chỉ là thần và khí.
28- Nói chung, sự kết hợp giữa bản chất và hình tượng chẳng qua là ở hình
và thần. Khi hình và thần hợp lại thì thành người hay vật. Nếu hình và thần
rời nhau, ắt thành thần linh hay ma quỷ.
29- Nói chung, thần nhân tức là bậc mà nay chúng ta gọi là thánh nhân.
Thánh nhân tuy ngồi trong cung điện mà lòng tự tại có khác chi ở chốn núi
rừng. Người đời sao lại chẳng biết điều ấy vậy? Họ chỉ thấy thánh nhân ngồi
xe lọng vàng, mang ấn ngọc, bèn nói rằng bấy nhiêu đủ để ràng buộc cái tâm
của ngài. Thấy ngài kinh lịch chốn núi non sông nước, lại bảo bấy nhiêu cũng
đủ làm cái thần của ngài tiều tụy. Sao họ chẳng biết sự không hao tổn của
người đạt đạo vậy?
Gửi bài viết tới Facebook