Kiên bạch, Đồng dị.

Kiên bạch, Đồng dị. Kiên bạch là một học thuyết thời Chiến Quốc. Bấy giờ có hai phái: một phái gọi là «Ly kiên bạch» (cứng và trắng cách ly nhau), đứng đầu là Công Tôn Long. Ông phân tích «kiên bạch thạch» (đá trắng cứng) rằng kiên và bạch cách biệt nếu ta chạm vào hoặc nhìn vào hòn đá. Còn phái kia gọi là «Doanh kiên bạch» (cứng và trắng bất khả phân), đứng đầu là Mặc Tử. Ông cho rằng kiên và bạch đều là thuộc tính của đá, nên chúng bất khả phân.

441. Người khác không hiểu mà cố làm cho họ hiểu, tức là giống như lấy cái thuyết «kiên bạch» để đẩy họ vào chỗ tối tăm.

442. Trang Tử bảo Huệ Thi: «Nay ông đã sử dụng cái thần của mình như thể nó ở ngoài thân, đã lao nhọc tinh lực của mình; cứ dựa cây mà ngâm nga; cứ bám gốc cây ngô đồng mục nát mà ngủ. Trời đã lựa cho ông tấm thân này, thế mà ông cứ tranh tranh cãi cãi nào là kiên với bạch.»

443. Gà có ba chân. Kinh đô Dĩnh [của nước Sở] gồm thâu thiên hạ. Chó có thể là dê. Ngựa có trứng. Cóc nhái có đuôi. Lửa không nóng. Núi phát ra từ miệng. Bánh xe không lăn trên mặt đất. Mắt không thấy. Ngón tay chỉ đồ vật nhưng không chạm nó. Nơi anh đến không phải là kết thúc. Rùa dài hơn rắn. Cái ê-ke thợ mộc không vuông. Cái com-pa không thể tròn. Cái đục không xoay quanh cái mộng. Bóng chim đang bay chưa từng động. Mũi tên bay nhanh, có lúc nó không bay cũng không dừng. Chó không là chó. Ngựa vàng và bò đen là ba con. Chó trắng thì đen. Ngựa mồ côi thì không bao giờ có mẹ. Cây gậy dài một thước, mỗi ngày lấy đi một nửa, thì muôn đời cũng không lấy hết.

444. Cái cực lớn và không có gì ở ngoài nó thì gọi là Đại Nhất. Cái cực nhỏ và không có gì ở trong nó thì gọi là Tiểu Nhất. Cái không có bề dày và không thể bị chồng lên thì lớn một ngàn dặm. Trời thấp như đất. Núi ngang với đầm. Mặt trời đứng bóng thì nghiêng. Vật vừa sinh là vừa chết. Sự đại đồng (giống nhau nhiều) khác với sự tiểu đồng (giống nhau ít), đó gọi là «tiểu đồng dị» (sự khác biệt của sự giống nhau ít). Mọi vật hoàn toàn giống nhau hay hoàn toàn khác nhau, đó gọi là «đại đồng dị» (sự khác biệt của sự giống nhau nhiều). Phương nam vô cùng tận mà lại cùng tận. Hôm nay tôi đến nước Việt và hôm qua tôi đến đó. Vật liên kết có thể bị tách rời ra. Tôi biết trung ương của thiên hạ: nó ở phía bắc nước Yên và phía nam nước Việt. Hễ yêu khắp vạn vật, thì trời và đất hợp thành một thể.

445. Kết hợp các điểm khác biệt thì thành sự đồng nhất, phân tán sự đồng nhất thì thành các điểm khác biệt.

446. Người chết đuối đã vào trong nước; kẻ cứu vớt hắn cũng vào trong nước. Hàng động vào trong nước là giống nhau, nhưng nguyên nhân thì khác nhau.

447. Lạnh cũng run rẩy, sợ cũng run rẩy. Hai việc này cùng tên gọi mà thực trạng thì khác nhau.

448. Sự vật tuy khác mà giống, tuy giống mà khác; tuy sai mà đúng, tuy đúng mà sai. Cái mà người quân tử không lo rầu thì người bình thường lại lo rầu.


SÁCH THAM KHẢO CHÍNH
1- Cố Cửu (dịch chú), Cát Hồng Bão Phác Tử Nội Thiên, Quý Châu xuất bản xã (= xbx), 1995.
2- Cổ Đại Hán Ngữ Từ Điển biên tả tổ, Cổ Đại Hán Ngữ Từ Điển, Thương Vụ Ấn thư quán, Bắc Kinh, 2000.
3- Doãn Chấn Hoàn, Bạch Thư Lão Tử Dữ Lão Tử Thuật, Quý Châu xuất bản xã, 2000.
4- Hàn Sinh (tuyển dịch), Đạo Gia Châm Ngôn Lục, Nội Mông Cổ Nhân Dân xbx, Bắc Kinh, 1997.
5- Khâu Phượng Hiệp (chú dịch), Bão Phác Tử Nội Thiên Kim Dịch, Trung Quốc Xã Hội Khoa Học xbx, Bắc Kinh, 1996.
6- Ngô Phong (chủ biên), Trung Hoa Đạo Học Thông Điển, Nam Hải Xuất bản công ty, Hải Nam, 1994.
7- Ninh Chí Tân (chủ biên), Đạo Giáo Thập Tam Kinh, Hà Bắc Nhân Dân xbx, 1994.
8- Sử Đông, Giản Minh Cổ Hán Ngữ Từ Điển, Vân Nam Nhân Dân xbx, 1999.
9- Từ Căng - Phương Hú - Mục Lân (chú giải), Trung Quốc Khí Công Tứ Đại Kinh Điển, Chiết Giang Cổ Tịch xbx, 1989.
10- Vương Lực (chủ biên), Cổ Hán Ngữ Thường Dụng Tự Tự Điển, Thương Vụ Ấn thư quán, Bắc Kinh, 1993.
11- Vu Thạch - Vương Quang Hán - Từ Thành Chí (chủ biên), Thường Dụng Điển Cố Từ Điển, Thượng Hải Từ Thư xbx, 1985.
12- Nguyễn Hiến Lê (dịch), Trang Tử, Nhà xuất bản Văn Hoá, 1994.
13- D.C. Lau (trans.), Lao Tzu Tao Te Ching, Penguin Books, 1967.
14- James Legge (trans.), Chuang Tzu, (arr. by Clae Waltham), New York, 1971.
15- James R. Ware (trans.), Alchemy, Medicine, Religion in the China of A.D. 320: The Nei P’ien of Ko Hung, The MIT Press, 1966.
16- James R. Ware (trans.), The Sayings of Chuang Chou, A Mentor Classic, 1963.
17- Robert G. Henricks (trans.), Lao-Tzu Tao Te Ching: A new translation based on the recently discovered Ma-Wang-Tui texts, Ballantine Books, New York, 1989.

Lê Anh Minh dịch

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh