Hư tĩnh, Cầu chân.

Hư tĩnh, Cầu chân. 144. Hãy đạt sự hư không tới cực độ, và giữ sự yên tĩnh rất kiên định. Vạn vật cùng sinh, ta nhân đó xem chúng trở về. Vạn vật trùng trùng đều trở về cội. Trở về cội là tĩnh; tĩnh là phục mệnh; phục mệnh tức là thường hằng. Biết thường hằng mới là sáng suốt. Không biết thường hằng sẽ làm càn và gây hung họa. Biết thường hằng sẽ bao dung; bao dung thì công chính không tư vị; công chính không tư vị là vua; vua tức là Trời; Trời là Đạo; [hợp với] Đạo thì trường cửu, thân dù mất đi cũng chẳng nguy hại gì.

145. Nặng là gốc của nhẹ
. Tĩnh là chủ của động.

146. Không ham muốn để yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ tự ổn định.

147. Động thắng lạnh, tĩnh thắng nóng. Thanh tĩnh vô vi là chuẩn tắc của thiên hạ.

148. Ngươi hãy tập trung tâm trí, loại trừ tạp niệm. Đừng nghe bằng tai, mà phải nghe bằng tâm. Sau đó chớ nghe bằng tâm, mà phải nghe bằng khí. Tai không nghe âm thanh bên ngoài. Tâm không tưởng đến sự vật bên ngoài. Khí vốn hư không, nên lấy nó mà tiếp đãi sự vật. Chỉ có Đạo tập trung trong hư không. Hư không là tâm trai (chay lòng).

149. Sự tĩnh lặng của thánh nhân không phải do quan niệm tĩnh lặng là tốt mà do vạn vật không quấy nhiễu nổi tâm của họ. Mặt nước tĩnh lặng soi rõ được râu và chân mày con người. Sự tĩnh lặng của mặt nước trở thành tiêu chuẩn cho người thợ làm việc. Nước tĩnh lặng còn soi sáng được huống hồ tinh thần. Tâm của thánh nhân tĩnh lặng thì thế nào? Đó là tấm gương soi của trời đất và của vạn vật. Nói chung, sự hư tĩnh, điềm đạm, tịch mịch, vô vi là sự bình lặng của trời đất và là sự tối cao của đạo đức. Cho nên đế vương và thánh nhân yên tĩnh, yên tĩnh thì hư, hư thì thực, thực là đạo lý tự nhiên. Hư thì tĩnh, tĩnh thì động, động thì được. Tĩnh thì vô vi, vô vi thì người nhận trách nhiệm sẽ có trách nhiệm.

150. Thường xuyên trừ bỏ dục vọng thì tâm tự yên tĩnh, làm cho tâm tĩnh lặng thì thần tự trong trẻo.

151. Đạo có trong có đục, có động có tĩnh. Trời trong đất đục, trời động đất tĩnh. Nam trong nữ đục, nam động nữ tĩnh. Đạo giáng xuống, và âm dương giao nhau sinh thành vạn vật. Trong là nguồn của đục, đục là cơ sở của trong. Ta thường thanh tĩnh thì vạn vật đều trở về trong ta.

152. Không tạp niệm mà trong trẻo, giữ lấy thần mà ninh tĩnh. Thiên hạ sẽ tự trở nên công chính.

153. Bậc có đạo, tuy động mà lại tĩnh, tuy rong ruổi mà khống chế được, tuy giữ an định mà vẫn ứng phó được, tuy không có gì mà vẫn cung ứng được yêu cầu của ngoại giới. Cho nên hễ ta yên tĩnh thì từ từ thanh trong, ngoại vật không thể làm cho ta đục. Hễ ta động thì từ từ phát sinh, nhưng ngoại vật không thể làm ta an định. Dịch Kinh nói: “Người đến từ từ, đi đứng an nhiên mà tự thích ứng.” Sự dụng tâm của bậc chí nhân, không phải tĩnh vì cho rằng tĩnh là tốt, không phải động vì cho rằng sinh xuất là có công, mà chỉ là vận dụng cái bản tính tự nhiên để đối đãi động và tĩnh, tự bản thân không bị tình cảm lôi kéo vì lợi hay hại, và cũng không phải lao nhọc gấp gáp. Do đó mới nói là từ từ. Họ an tĩnh rồi từ từ thanh trong, vạn vật không quấy nhiễu nổi tâm họ, cho nên ai mà làm đục họ cho được? Họ động rồi từ từ phát sinh, vạn vật không khiến cho họ âu lo được, cho nên ai mà làm cho họ an định được? An định là ngụ ý dừng lại, vì vạn vật làm cho hệ lụy nên mới dừng lại. Lẽ nào đối ứng ngoại vật lại không bị tổn thương?

154. Không có gì quý bằng hư, không có gì tốt bằng tĩnh. Hư tĩnh là căn bản của vạn vật. Hư nên đủ để tiếp nhận mọi cái có thực, tĩnh nên đủ để ứng phó với mọi cái động. Cái gọi là cực chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ bất đồng hội tụ. Cái gọi là đốc chính là chỗ tột cùng mà mọi thứ cố gắng truy cầu. Chí hư thì phải đến chỗ tột cùng, giữ an tĩnh thì cũng phải đến chỗ tột cùng, thế thì muôn hiện tượng dù phức tạp nhưng tâm ta vẫn thấu triệt, muôn sự biến đổi dù khác nhau nhưng tâm ta vẫn tĩnh lặng. Đó gọi là niềm vui của trời, không phải là người đắc đạo thì không thể có được niềm vui này.

155. Đạo lấy vô tâm làm thể, lấy vong ngôn (quên lời) làm dụng, lấy mềm yếu làm gốc, lấy thanh tĩnh làm cơ sở. Hãy tiết chế ăn uống, dứt tư lự, khi tĩnh tọa phải đều hòa hơi thở, ngủ yên để dưỡng nguyên khí, tâm không chạy rong thì tính an định, hình thể không lao nhọc thì tinh giữ vẹn, thần không ưu lự thì kim đan sẽ kết thành, sau đó diệt dục đến chỗ hư không, tinh thần sẽ rất an tĩnh. Tuy không ra khỏi cửa mà vẫn đắc đạo kỳ diệu.

156. Chân là sự tinh thành rất mực. Không tinh thành thì không cảm động được người khác. Cho nên hễ khóc vờ thì bi thảm mà không đau buồn, hễ giận vờ thì nghiêm mà không có uy, hễ thân thiết vờ thì tươi cười mà không hoà đồng. Sự chân thực là ở trong tâm, tinh thần động mà phát ra ngoài, cho nên sự chân thực là quý. Vận dụng nó vào đạo lý con người thì thờ cha mẹ phải kính hiếu, thờ vua phải trung trinh, uống rượu phải vui, có tang phải đau buồn. Trung trinh lấy công trạng làm đầu, uống rượu lấy vui vẻ làm đầu, thờ cha mẹ lấy tùy thuận làm đầu. Sự tốt đẹp của thành công không chỉ có một đường lối; thờ cha mẹ phải tùy thuận, bất kể phải làm gì; uống rượu phải vui, không kén ấm chọn tách; có tang phải đau buồn, không quan tâm nghi lễ. Nghi lễ là hành vi thế tục. Chân thực là nhận lãnh từ trời, nó tự nhiên mà không thể thay đổi. Cho nên thánh nhân noi theo trời mà quý sự chân thực, không câu nệ tục lệ. Kẻ ngu thì ngược lại, họ không noi theo trời, mà chỉ lo không hợp với người đời. Họ không biết quý sự chân thực. Cứ thay đổi một cách tầm thường cho hợp với đời, cho nên họ không có giá trị.

157. Trâu hoặc ngựa có bốn chân, đó là tự nhiên; cột dây vào đầu ngựa và xỏ dây vào mũi trâu, đó là nhân tạo. Cho nên mới nói: đừng lấy cái nhân tạo mà tiêu diệt sự tự nhiên, đừng vì sự việc mà tiêu diệt cái đã định, đừng vì muốn có danh mà chết vì danh. Giữ kỹ chớ quên ba điều ấy chính là quay về chân tính của mình.

158. Đạo bị che lấp nơi đâu, khiến có chân và ngụy? Lời bị che lấp nơi đâu, khiến có thị và phi? Đạo đi đâu khiến nó không còn nữa? Lời ở đâu khiến nó không sao hiểu được? Đạo bị sự vụn vặt che lấp. Lời bị sự hoa mỹ sáo rỗng che lấp.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh