Tu luyện, Dưỡng thân.

Tu luyện, Dưỡng thân. 159. Tâm là chủ của thân, thống lãnh thần. Tĩnh thì sinh trí huệ, động thì sinh hôn ám. Người bắt đầu học đạo, cần buông xả tâm, lìa ngoại cảnh, thì mới nhập vào hư vô, tức là hợp với đạo.

160. Bàn về tâm, có thể lấy mắt làm thí dụ. Hễ một vật tế vi lọt vào mắt là ta cảm thấy rất khó chịu. Trâu và ngựa là gia súc. Hễ thả lỏng chúng, không chăn giữ, ắt chúng sẽ hung hãn lung tung, khó cỡi. Chim ưng, chim dao là loài hoang dã. Nếu cột trói chúng, lâu ngày ta sẽ khiến chúng thuần thục. Tâm ta cũng như thế thôi.

161. Bước đầu học đạo, cần phải ngồi yên, thu tâm, lìa ngoại cảnh, trụ vào chỗ không có, tâm không nghĩ đến một vật gì, như vậy tự nhiên sẽ nhập cõi hư vô, tâm sẽ hợp đạo. [...] Những toan tính và tạp niệm là do vọng tâm sinh ra. Nếu thân như cây khô, lòng như tro lạnh, thì muôn bệnh ắt sẽ hết sạch.

162. Ai làm cho tâm thuần chính mới là bậc dũng sĩ. Vận dụng trí huệ để quan sát, đó là binh khí sắc bén. Lòng thanh tĩnh thường lạc, đó là vinh hoa phúc lộc. Nếu ta không dùng trí huệ để quan sát, khác gì gặp quân địch thì ném binh khí mà chạy trốn; kết cục thay vì tốt thì lại xấu. Cho nên, an định tức là cơ sở của sự đạt đạo, là sự thành công của việc luyện tập thanh tĩnh. Giữ được an định, việc gì cũng xong.

163. Người tu đạo để thành chân nhân, trước hết phải dứt bỏ các hành vi tà vạy, việc đời chớ bận lòng, phải ngồi ngay ngắn, quán xét nội tâm, hễ một ý niệm nào phát khởi thì diệt nó ngay.

164. Khống chế tâm nhưng đừng chấp trước, buông xả tâm nhưng đừng vọng động, đó là sự an định chân chính.

165. Khi nhập định mà mong cầu huệ, ắt sẽ làm hại định, định đó sẽ không phát sinh huệ. Khi nhập định mà chẳng mong cầu huệ, thì huệ sẽ phát sinh.

166. Trong thời kỳ tĩnh tọa cầu chân, mọi điều kỳ diệu sẽ cảm ứng mà hội tụ; ta nội quán hình ảnh chư thần trong thân thể thì khí của các thần sẽ trường tồn; hình thể ta sẽ dung hợp đạo đức, như vậy mọi thần linh sẽ quy phục ta; ta sẽ không bị tai hoạ nơi cõi âm ti, mà hưởng phúc lạc nơi nơi.

167. Khống chế nẻo ra vào của hồn và phách, gọi là «nắm chặt» (ác cố), kỳ thực là giữ cho hồn phách yên chỗ cửa nẻo đó. Đó là cách làm cho hồn trở về để giữ chắc tinh khí, làm cho mắt sáng, và trường thọ. Nếu suốt ngày thi hành phép «nắm chặt» (ác cố) thì tà khí và trăm thứ độc hại không xâm nhập được ta.

168. Tồn tưởng là gì? Tồn là bảo tồn thần của ta, tưởng là tưởng nghĩ đến thân của ta. Làm sao đạt được điều đó? Nhắm mắt lại thì thấy được mục quang của mình, thu tâm lại thì thấy được tâm cảnh của mình. Tâm cảnh và mục quang đều không lìa thân, thì không làm hại thần, việc này dần dần sẽ đạt được. Kẻ phàm suốt ngày chỉ nhìn người khác, tâm họ ắt bôn tẩu ra ngoài; suốt ngày chỉ tiếp đãi sự vật bên ngoài, mắt họ cũng chỉ nhìn ra ngoài. Cái ánh sáng rực rỡ [của Đạo] chưa từng chiếu ngược vào trong thì làm sao mà họ tránh được bệnh tật và chết yểu?

169. Phế trừ [sự liên hệ với] thân mình và tứ chi, truất bỏ thông minh, lìa hình thể vật chất, bỏ tri thức, để đồng nhất với đại đạo. Đó gọi là phép tọa vong.

170. Muốn lập chân ngã cần phải vô ngã. Cái chân ngã của ta bị sự mông muội trần thế làm cho giả dối, bị ngoại vật làm cho tỳ vết, bị giả ngã làm cho chấp trước, tức là những thứ làm hại đạo vậy. Do đó, ta và vật phải quên hết để hợp thành một. Rồi phải tiêu diệt cái một ấy để nhập cảnh giới hư vô, bấy giờ sẽ hoát nhiên giác ngộ, trí huệ thông đạt, thân thể vô hình tướng, tâm không tư lự, tính của ta sẽ đạt đạo. Bám vào nó mà ngoại vật không đoạt được, giữ lấy nó mà thế lực bên ngoài không cướp được.

171. Hít thở dài sâu; nhả hơi cũ, hít vào hơi mới; đu treo mình lên như gấu; duỗi mình như chim để sống lâu. Đó chỉ là cách thức mà kẻ sĩ đạo dẫn và bọn luyện dưỡng thân thể ưa thích để được sống lâu như ông Bành Tổ.

172. Nói chung, hành khí là lấy mũi nạp khí vào, lấy miệng nhả khí ra. Việc này tiến hành nhẹ nhàng, gọi là hơi thở dài (trường tức). Nạp khí có một cách, còn nhả khí có 6 cách. Một cách nạp khí là hít hơi vào. Sáu cách nhả khí là: xuy, hô, hi, ha, hư, hứ; đều là cho hơi ra. Thở ra một, hít vô một y như cách thở xưa nay, nhưng thời gian phải lâu. Cách nhả khí thì: trời lạnh ta dùng xuy, trời ấm ta dùng hô. Khi bệnh, ta dùng xuy để khử nhiệt, dùng hô để khử gió, dùng hi để giải phiền, dùng ha để hạ khí, dùng hư để trừ mệt nhọc.

173. Lục khí là [thở 6 chữ] hư, ha, hứ, xuy, hô, hi. Mỗi khí [trong 5 khí] thuộc một tạng, còn khí thứ 6 thì thuộc tam tiêu. Hứ thuộc phổi, phổi là chủ của mũi. Nếu lạnh nóng không điều hòa và quá lao nhọc thì hãy theo cách thở chữ hứ, cũng đồng trị mụn nhọt ghẻ lở ngoài da, nếu có bệnh này thì cứ theo bệnh trạng mà trị thì khỏi ngay. Ha thuộc tim, tim là chủ của lưỡi. Nếu miệng khô lưỡi nhám, khí không thông và nói chuyện có mùi hôi, thì lấy ha để trừ bệnh. Nóng nhiều thì mở miệng lớn, nóng ít thì mở miệng nhỏ. [...] Hô thuộc tỳ, tỳ là chủ của trung cung. Xuy thuộc thận, thận là chủ của tai. Nếu thắt lưng và bụng lạnh, Dương đạo suy, thì lấy cách thở chữ xuy để trị. Hi thuộc tam tiêu, tam tiêu không điều hòa,thì ấy cách thở chữ hi để trị. Khí tuy mỗi thứ có cách trị riêng nhưng ngũ tạng và tam tiêu bị lạnh nóng hay lao nhọc quá hay bị gió độc không điều hòa đều thuộc về tim. Tim có cách thở chủ yếu là ha. Ha chủ trị hết các bệnh tật, không nhất thiết phải thở hết 6 chữ. Hư thuộc gan, gan là chủ của mắt. Đỏ phù [thân thể] mờ mịt [tinh thần] v.v. đều lấy cách thở chữ hư để trị.

174. Cái gọi là nhả hơi cũ nạp hơi mới chính là lấy cái khí bên ngoài để tăng trưởng cái khí bên trong. Nếu nguyên khí của ta mà suy, sinh mệnh ta khó mà kéo dài được. Dùng thảo dược là dùng chất bổ dưỡng từ cây cỏ rễ lá để bồi bổ máu huyết. Nếu máu huyết của ta suy kiệt thì cũng khó mà bồi bổ được.

175. Trị gan thì thở ra theo hư,
mắt trợn trừng. Trị phổi thì thở ra theo hứ, hai tay nâng lên cao. Trị tim thì thở ra theo ha, hai bàn tay đan các ngón đặt tên đỉnh đầu. Trị thận thì thở ra theo xuy, lòng bàn tay ôm đầu gối và hai đầu gối nằm ngang. Trị tỳ thì thở ra theo hô, mà ngậm miệng. Trừ nóng bên ngoài xâm nhập tam tiêu thì nằm thở ra theo hi để yên ổn.

176. Hoặc co và duỗi,
hoặc cúi và ngẩng, hoặc đi và nằm, hoặc dựa và đứng thẳng, hoặc đi đứng dùng dằng, hoặc đi từ từ, hoặc ngâm nga và lặng thinh, tất cả đều là phép đạo dẫn.

177. Phép đạo dẫn rất có ích cho ta sống lâu. Nó và phép điều khí bổ túc nhau, khiến cho huyết mạch thông suốt, trừ được trăm thứ bệnh.

178. Sở dĩ con người chết là do các dục vọng làm hại, do lão hoá, do trăm bệnh làm hại, do trúng chất độc, do tà khí làm hại, do gió lạnh xâm nhập. Ngày nay người ta luyện đạo dẫn hành khí, hoàn tinh bổ não, ẩm thực điều độ, làm việc và nghỉ ngơi chừng mực, dùng thuốc bổ dưỡng, tồn thần thủ nhất, giữ gìn giới cấm, mang đeo phù ấn, xa lánh bọn xấu làm hại sinh mệnh ta, nếu thông suốt được các điều ấy thì mới tránh được sáu nguyên do gây hại đã nói trên.

179. Phục dược (dùng thuốc) tuy là cơ sở của thuật trường sinh, nhưng nếu có thể cùng luyện thêm hành khí, thì ích lợi của nó càng thêm nhanh chóng. Nếu không kiếm được thuốc mà chỉ luyện hành khí thôi, nhưng ta luyện hành khí đúng theo lý thuyết, thì cũng có thể sống vài trăm tuổi.

180. Lúc ta mới học hành khí, hít khí bằng mũi rồi bế khí. Im lặng đếm 120 nhịp tim đập thì nhả nó ra chút ít bằng miệng. Khi hít thở, chớ để tai nghe thấy âm thanh của hơi thở mình ra vào. Thường phải luôn hít vào nhiều, thở ra ít. Lấy chiếc lông hồng đặt trước mũi và miệng, hơi thở ra không làm nó động đậy. Luyện tập dần, rồi tăng thời gian bế khí lâu đến một ngàn nhịp tim. Một khi bế khí đạt được một ngàn nhịp tim, thì ta cải lão hoàn đồng từng ngày một.

181. Ta phải hành khí vào mỗi giờ khi khí sống, đừng hành khí khi khí chết. Cho nên mới nói tiên nhân phục lục khí. Trọn mỗi ngày lẫn đêm có 12 giờ [đôi]. 6 giờ từ nửa đêm đến giữa trưa là lúc khí sống; từ giữa trưa đến nửa đêm là lúc khí chết. Khi khí chết, hành khí vô ích.

182. Người ta cũng phải biết thuật phòng trung để đạt được số năm sống lâu thêm đó. Nếu không biết thuật âm dương nam nữ, mà cứ lũ lượt làm hao tổn tinh khí, tất sẽ khó có đủ sức lực để vận hành khí. Người ở trong khí, khí ở trong người. Từ trời đất cho đến vạn vật, chẳng có thứ nào không có khí mà sống cả. Kẻ giỏi hành khí, bên trong là dưỡng thân, bên ngoài là trừ khử tà ác tấn công mình.

183. Khi hành khí phải đóng cửa để người khác không thấy, mắt nhắm, nằm im, gối cao 3 thốn, không nghe, không thấy, không nghĩ ngợi, không xúc động vui giận lo buồn, bế khí (nín hơi) và đếm hơi thở. Ban đầu bế khí lâu 3 nhịp tim, rồi tới 5, tới 9, v.v... Bế khí lâu tới 1000 nhịp tim là gần thành tiên.

184. Sách Phục Khí Kinh nói: «Đạo là khí, bảo tồn được khí là đắc đạo, đắc đạo thì trường tồn.»

185. Nói chung, muốn thông qua hành khí để trừ bách bệnh, thì phải dùng ý niệm mà nghĩ đến chỗ bị bệnh. Đau ở đầu thì nghĩ đến đầu, đau ở chân thì nghĩ đến chân. Rồi vận khí tấn công chỗ đó. Trị liệu như vậy một thời gian thì bệnh sẽ hết.

186. Muốn thành thần tiên, chỉ cần có bí quyết luyện tập cơ bản nhất, đó là phải trân quý tinh khí, hành khí, và dùng đại dược (kim đan). Vậy là đủ, không cần dùng nhiều.

187. Hành khí giúp ta trị được bách bệnh, không cần trốn tránh ôn dịch, làm mê được hổ và rắn độc, cầm được vết thương không chảy máu, có thể ở trong nước và đi trên mặt nước, không bị đói khát, và kéo dài tuổi thọ. Nhưng điều quan trọng nhất của hành khí chỉ là thực hiện được thai tức. Ai đạt được thai tức, nghĩa là không dùng mũi và miệng mà vẫn thở được giống như bào thai trong tử cung, thì sẽ đắc đạo.

188. Chỗ đáng sợ của con người là chuyện chăn gối và ẩm thực vô độ mà không biết răn mình, thực là lầm lỗi vậy.

189. Tĩnh tâm có thể điều dưỡng bệnh tật, xoa đuôi mắt để phòng ngừa lão suy, trấn tĩnh để chận đứng sự bồn chồn sợ hãi.

190. Không thể ngồi trong căn nhà hư nát; không thể đứng cạnh tường vách nghiêng xiêu.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh