Tư khảo, Trị thế.

Tư khảo, Trị thế. 313. Không ham muốn dễ được yên tĩnh, do đó thiên hạ sẽ ổn định.


314. Cai trị một nước lớn giống như nấu con cá nhỏ.

315. Vật ở yên thì dễ cầm; vật chưa hiện điềm báo hiệu thì dễ lo liệu; vật giòn thì dễ vỡ; vật nhỏ thì dễ phân tán. Hành động trước khi sự việc xảy ra; trị an trước khi loạn lạc nổi lên.

316. Dân khó trị, là do người trên thích chuyện hữu vi, cho nên dân khó trị.

317. Thiên đạo không thiên ái, mà thường ban ân cho người lành.

318. Nước nhỏ, dân ít. Dù có khí giới đủ cho 10 hay 100 người thì cũng không dùng đến. Dạy dân coi trọng cái chết để họ khỏi đi xa. Tuy có xe thuyền, mà chẳng khi dùng. Tuy có giáp binh, mà chẳng phô trương. Khiến dân trở lại việc thắt nút mà dùng. Ăn thấy ngon, mặc thấy đẹp, ở thấy yên, sống thấy sướng. Tuy các nước cận kề, nhìn thấy nhau, gà kêu chó sủa ở nước này thì nước kia đều nghe, nhưng người dân cho đến lúc già chết cũng chẳng qua lại thăm nhau.

319. Dân khó trị là vì họ lắm mưu trí. Cho nên dùng mưu trí trị nước tức là hại nước; không dùng mưu trí trị nước tức là ích nước.

320. Ai quý bản thân hơn việc thống trị thiên hạ thì người ta có thể gởi gấm thiên hạ cho. Ai yêu bản thân hơn việc thống trị thiên hạ thì người ta có thể gởi gấm thiên hạ cho.

321. Bậc đại thánh cai trị dân thì cổ vũ tâm trí của họ, khiến họ thi hành các giáo huấn của ngài mà thay đổi thói xưa, diệt bỏ lòng hung ác của họ và giúp họ tiến bước theo ý chí riêng của họ. Họ tự làm như thể phát xuất từ bản tính mình nhưng họ không hiểu nguyên do tại sao. Nếu vậy, đâu cần gì cách dạy dân của Nghiêu Thuấn hay các sự xếp đặt hỗn độn? Chỉ mong hoà đồng với đức và tâm an tĩnh trong đó mà thôi.

322. Ngày nay dễ dàng tụ tập dân chúng. Yêu dân, thì họ sẽ yêu lại ngươi; làm lợi cho họ thì họ sẽ đến với ngươi; khen ngợi họ thì họ sẽ phấn khởi và làm vui lòng ngươi; hễ khiến họ làm cái mà họ ghét thì họ sẽ phân tán.

323. Cái bằng phẳng là sự yên tĩnh của mặt nước. Nó có thể là phép tắc cho ta noi theo. Bên trong thì nó bảo toàn yên ổn, bên ngoài thì không gì làm nó xao động. Đức là sự tu dưỡng để hoà thuận tự nhiên. Đức vô hình mà không vật nào lìa khỏi nó được.

324. Lễ nghĩa và phép tắc phải tuỳ thời mà thay đổi.

325. Đã lao nhọc vô ích mà còn hại thân nữa.

326. Hãy vất thánh bỏ trí, thiên hạ sẽ thịnh trị.

327. Vất thánh nhân
bỏ trí tuệ, sẽ dứt bọn trộm lớn; ném ngọc đập châu, bọn trộm vặt sẽ không xuất hiện; đốt hổ phù đập ngọc tỷ, dân sẽ chất phác; phá cái đấu bẻ gãy cái cân, dân sẽ không tranh chấp; phế bỏ các phép tắc của thánh nhân áp đặt lên thiên hạ, mới có thể luận bàn với dân chúng.

328. Cho nên khi đức của ai mà lớn, ngoại hình khiếm khuyết của hắn sẽ được người ta quên đi. Khi người ta không quên cái đáng quên (= ngoại hình) và quên cái không đáng quên (= đức), đó gọi là quên hết thật sự.

329. Không vui và không biết mới là vui thật và biết thật; cho nên không gì mà không cảm thấy vui, không gì mà không biết, không gì mà không buồn, không gì mà không làm.

330. [Đối với việc cai trị quốc gia] cần coi trọng cách cai trị của thánh nhân, không coi trọng cách cai trị của bản thân nhà vua, phải coi trọng cách cai trị trên cơ sở là sự hợp tác giữa cá nhân nhà vua với dân chúng.

331. Điều có lý nhưng không có ích cho việc trị nước thì bậc quân tử không nói ra; điều có thể làm nhưng chẳng ích lợi vào việc gì thì bậc quân tử không làm.

332. Quân bình là điều rất đúng đắn của thiên hạ, đối với sự vật hữu hình cũng đúng như thế.

333. Việc trị nước giống như việc trừ cỏ dại ở ruộng, chỉ cần trừ các thứ làm hại mạ và lúa non là được.

334. Kẻ cai trị nếu sinh sự lắm điều, nhân dân có thái độ giả dối; kẻ cai trị nếu quấy nhiễu nhân dân, nhân dân không yên; kẻ cai trị nếu tham cầu, nhân dân cạnh tranh nhau.

335. Trị nước giống như lên dây đàn; dây lớn căng quá thì dây nhỏ đứt.

336. [Trị nước thì] trên phải dựa theo thiên thời, dưới phải lợi dụng tài vật của đất, giữa phải sử dụng nhân tài.

Lê Anh Minh dịch.

Gửi bài viết tới Facebook

Gửi hình ảnh