Nhân chi sơ tính bổn thiện
Nhân Chi Sơ:
Đây là phần đầu tiên trong sách Tam Tự Kinh nói về bản tính con người, thông qua đó nêu lên cách giáo dục trẻ con bằng những dẫn chứng sinh động từ thời xa xưa. Ngoài ra, phần này còn nói về chức phận bậc làm cha mẹ, trách nhiệm của người thầy và bổn phận của con cái. Ngoài việc mài mò học tập thì người con phải biết hiếu để.
Ngọc bất trác, bất thành khí;
Nhân bất học, bất tri nghĩa.
Vi nhân tử, phương thiếu thời;
Thân sư hữu, tập lễ nghi.
Ngọc không đẽo gọt không thành món đồ
Người ta không học thì không biết nghĩa lý
Làm người con lúc còn nhỏ
Thân với thầy, bạn để tập lễ nghi.
Hòn ngọc không đẽo gọt thì chẳng nên món đồ; người ta không học thì chẳng biết nghĩa lý. Cho nên phận làm con, đương lúc còn trẻ, phải thân cận với thầy và bạn để học tập lễ nghi.
Dưỡng bất giáo, phụ chi quá;
Giáo bất nghiêm, sư chi đọa.
Tử bất học, phi sở nghi;
Ấu bất học, lão hà vi?
Nuôi mà không dạy là lỗi của cha.
Dạy mà không nghiêm là quấy của thầy
Con không học thì không phải lẽ.
Còn nhỏ không học, già sẽ làm gì?
Nuôi con mà chẳng dạy dỗ, ấy là lỗi của người cha. Dạy học mà chẳng nghiêm, ấy là quấy của ông thầy. Kẻ làm con mà chẳng học, chẳng phải lẽ nên vậy. Lúc nhỏ chẳng học thì lớn lên rồi tới già sẽ làm gì?
Nhân chi sơ tính bổn thiện:
Nhân chi sơ, tính bổn thiện;
Tính tương cận, tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, tính nãi thiên;
Giáo chi đạo, quý dĩ chuyên.
Người ta lúc đầu vốn có cái tính tốt lành
Tính ấy gần giống nhau nhưng do thói tục mà khác nhau
Nếu không dạy thì cái tính ấy thay đổi.
Cách giáo dục là lấy đức chuyên làm trọng.
Phàm con người ta mới sinh ra đều có cái bản tánh tốt lành. Vì cái tánh lành ấy giống nhau nên giúp họ gần nhau; nhưng khi lớn lên, hòa nhập với xã hội, nhiễm nhiều thói tục ở đời khiến cho tính tình của họ khác đi và thành ra xa nhau. Nếu như con người ta chẳng được giáo dục, dạy dỗ thì tánh lành thuở ban đầu ấy sẽ trở nên thay đổi tùy theo môi trường mà họ tiếp xúc. Về đường lối giáo dục, dạy dỗ con cái thì lấy đức chuyên làm trọng.
Gửi bài viết tới Facebook