Đây là chiếc turbine gió lớn nhất thế giới, có thể cấp điện cho 20.000 gia đình trong 25 năm
Đây là chiếc turbine gió lớn nhất thế giới, có thể cấp điện cho 20.000 gia đình trong 25 năm
MingYang Smart Energy, một công ty công nghệ năng lượng của Trung Quốc, vừa ra mắt một chiếc turbine gió thậm chí còn lớn hơn cả chiếc turbine Haliade-X khổng lồ của GE (Mỹ). Nó có tên là "MySE 16.0-242", và có công suất "siêu khủng" lên đến 16 megawatt, cao 242 mét và có khả năng cung cấp năng lượng cho 20.000 ngôi nhà trong vòng đời sử dụng 25 năm của nó.
Các số liệu thống kê về turbine gió đang ngày càng trở nên khá điên rồ. Khi chiếc turbine mới của MingYang chính thức hoạt động ở dạng nguyên mẫu vào năm tới, ba cánh quạt dài đến 118m của nó sẽ quét qua một khu vực rộng 46.000 mét vuông, lớn hơn 6 sân bóng đá hiện nay.
Hàng năm, mỗi chiếc turbine này dự kiến sẽ tạo ra 80GWh điện năng. Con số này cao hơn 45% so với chiếc turbine gió có công suất cao nhất hiện nay là MySE 11.0-203 của MingYang, với đường kính cánh quạt chỉ tăng thêm 19%. Không có gì ngạc nhiên khi những "cây cột" tạo điện từ gió này cứ lớn dần lên. Càng lớn, chúng dường như hoạt động càng tốt hơn và chi phí lắp đặt ngày càng ít tốn kém hơn để tạo ra cùng một lượng điện năng.
Kết quả chung là giá thành sản xuất năng lượng điện gió ngày càng giảm đi. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ về các công nghệ phát điện mới vào năm 2026, hiện tại điện gió là công nghệ có chi phí cao nhất để tạo ra 1MWh điện, ở mức 120.52 USD. Trong khi đó, lượng điện năng tương tự có thể sản xuất được bằng công nghệ đốt than có hiệu suất cao nhất hiện nay chỉ có giá thành 72.78 USD và nếu dùng năng lượng mặt trời thì chi phí chỉ khoảng 32.78 USD, chưa tính phần trợ cấp của chính phủ.
Rõ ràng, điện gió có thể lấp đầy những khoảng trống mà năng lượng mặt trời không thể làm được, và nó sẽ là một phần quan trọng của việc sản xuất năng lượng sạch trong tương lai của loài người. Theo báo cáo của Renew Economy, việc mở rộng quy mô ngành công nghiệp sản xuất điện gió với những chiếc turbine khổng lồ này là lý do chính khiến các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng chi phí sản xuất điện gió sẽ giảm 37-49% vào năm 2050.
MingYang cho biết MySE 16.0-242 chỉ là bước khởi đầu của "nền tảng sản phẩm 15MW+ mới" và nó có khả năng hoạt động ngay cả khi được lắp đặt trên nền đáy biển hoặc trên một bệ nổi. Nguyên mẫu hoàn chỉnh của nó sẽ được chế tạo vào năm 2022, lắp đặt và đi vào hoạt động vào năm 2023. Quá trình sản xuất thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào nửa đầu năm 2024.
Nguồn: MingYang Smart Energy
Gửi bài viết tới Facebook