Từ 1/1/2020, nghiêm cấm rủ rê, ép buộc người khác đi nhậu giải sầu
Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 với các điều khoản nghiêm ngặt để hạn chế ảnh hưởng của những loại đồ uống này với xã hội.
Theo đó, tại khoản 1, điều 5 của Luật phòng chống tác hại của rượu bia quy định nghiêm cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Như vậy, từ đầu năm sau, những hành vi như sếp ép nhân viên đi uống rượu; bạn bè xúi giục, rủ rê nhau đi uống bia; anh em lôi kéo nhau đi nhậu giải sầu sẽ bị nghiêm cấm.
Ngoài ra, tại điểm 5 của bộ luật này còn quy định các hành vi bị nghiêm cấm đáng chú ý như: cấm người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; cấm bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; cấm sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động....
Đặc biệt hơn, để tránh ảnh hưởng đến công việc, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia còn cấm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ngày 14/06/2019 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Việc ban hành bộ Luật phòng chống tác hại của rượu, bia được cho là rất cần thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng tiêu cực do tác hại của những loại đồ uống có cồn này với cá nhân, gia đình và toàn xã hội; bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam là nước tiêu thụ rượu bia cao nhất Đông Nam Á và cao thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Nước ta cũng có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia thuộc mức cao. Năm 2010, có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia thì đến năm 2015 tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng phát biểu trước quốc hội: 'Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD'. Đồng thời, bà cũng cho biết ở nước ta nếu phí tổn kinh tế do rượu, bia ở mức thấp nhất của thế giới (1,3% GDP) thì thiệt hại ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng. Ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.
T.T
Gửi bài viết tới Facebook