Những điều cần biết về cách chữa trị nhiệt miệng
Suckhoedoisong.vn - Mặc dù rất khó chịu, đặc biệt là khi ăn, nhưng mọi người thường phớt lờ hoặc không mấy lo ngại khi bị nhiệt miệng. Nhưng nếu không chữa trị vết loét sẽ lâu lành, gây đau rát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Vậy chữa trị nhiệt miệng sao cho đúng?
Nhiệt miệng – Căn bệnh phổ biến gây “ám ảnh”
Nhiệt miệng là những vết loét nông hình tròn hoặc bầu dục màu trắng hay vàng, có rìa màu đỏ bao quanh mọc ở niêm mạc vùng miệng. Dù nốt nhiệt nhỏ với đường kính khoảng 2-10mm nhưng người bệnh sẽ rất đau khi ăn uống và nói chuyện, do vậy thường có cảm giác mệt mỏi, khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày
Nhiệt miệng gần như xuất hiện quanh năm và rất dễ tái phát. Ai cũng có nguy cơ bị nhiệt miệng, đặc biệt là những người có hệ thống miễn dịch suy giảm. Bởi khi đó vi khuẩn dễ dàng tấn công vào khoang miệng, gây ra vết lở loét ở lưỡi, nướu, thành má, môi trong…
Phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người có bệnh dạ dày, bệnh dị ứng… là những đối tượng thường xuyên bị nhiệt miệng. Với người trẻ, stress, rối loạn nội tiết cũng làm ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình suy giảm miễn dịch, khiến cơ thể không đủ sức đề kháng chống lại sự tấn công của vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virut, vi nấm) dẫn đến nhiệt miệng.
Nhiệt miệng có nguy hiểm không?
Thông thường, ở giai đoạn đầu, nốt nhiệt thường khởi phát nhỏ khoảng 1-2mm, hơi rắn và hơi gồ lên mặt niêm mạc, tạo cảm giác đau nhẹ. Trong giai đoạn tiếp theo khi mụn nước vỡ, hình thành ổ hoại tử là những đốm to 2-3mm màu vàng nhạt, kéo dài 1-2 ngày. Giai đoạn ổ loét thường kéo dài nhất từ 5-7 ngày.
Nhiệt miệng có 3 dạng chính:
- Áp-tơ đơn giản: Đây là thể bệnh thường gặp nhất, chiếm 80-90% loét áp-tơ. Biểu hiện bệnh thường là một vết loét, dạng hình tròn hoặc bầu dục. Vết loét gây đau tức, bờ viêm đỏ, đáy trắng xám, đường kính nhỏ hơn 1cm. Vị trí thường gặp là ở niêm mạc môi, má, lưỡi, sàn miệng. Thông thường vết loét sẽ tự lành sau 7-14 ngày và không để lại sẹo.
- Áp-tơ khổng lồ: Đây là thể bệnh nặng nhất, chiếm khoảng 10% trên tổng số bệnh. Khi gặp trường hợp này, vết loét tạo cảm giác đau nhiều ở môi, trụ amidan. Nhiều vết loét sâu, bờ vết loét gồ, đáy trắng, kích thước 1-3cm. Thời gian lành thương lâu hơn thể đơn giản (từ 2-6 tuần), hay để lại sẹo. Thể bệnh này thường tái phát liên tục và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
- Áp-tơ dạng Herpes: Xảy ra trong khoảng 10% trường hợp. Bệnh biểu hiện với nhiều vết loét nông tập trung lại thành chùm, kích thước nhỏ khoảng 1-2mm. Bệnh tái phát sau khoảng thời gian ngắn kể từ khi lành thương. Thông thường bệnh sẽ khỏi sau 2 tuần, có thể để lại sẹo.
Chữa trị nhiệt miệng hiệu quả
Dù số người bị nhiệt miệng rất lớn, nhưng có lẽ do vết loét nhỏ và thường tự lành sau 1-2 tuần, nên hầu như mọi người ít quan tâm. Đa phần mọi người được hướng dẫn vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng, súc miệng nước muối, hạn chế thực phẩm cay nóng, bổ sung vitamin C, … Hoặc dùng mật ong, nha đam bôi lên vết loét giúp tránh kích ứng, nhanh lành thương.
Tuy vậy, việc sử dụng các phương pháp trên tác dụng thường chậm, không chấm dứt ngay cơn đau rát. Mặt khác, việc tự ý dùng thảo dược chữa trị nhiệt miệng sai cách có thể khiến vết loét lâu lành hơn, thậm chí nếu để bệnh trở nặng thì có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Gel bôi tại chỗ có chứa thành phần Lidocaine là một gợi ý, vì có tác dụng gây tê bề mặt giúp giảm đau nhanh và kéo dài, đặc biệt hữu ích trong việc giảm viêm đau ở lợi, niêm mạc, môi.
Hiện nay, y học đã kết hợp Lidocaine với dịch hoa cúc có tác dụng kháng viêm, làm mát mang lại hiệu quả cao trong việc chữa trị bệnh nhiệt miệng và không gây kích ứng.
Ưu điểm của dạng gel so với các dạng khác là khả năng bám dính tốt vào niêm mạc miệng, đồng thời rất an toàn và giúp giảm đau nhanh chóng, hiệu quả.
Gửi bài viết tới Facebook