Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020
wikipedia.org Giải vô địch bóng đá châu Âu 2020 (tiếng Anh: UEFA Euro 2020) là giải vô địch bóng đá châu Âu lần thứ 16, giải vô địch bóng đá quốc tế của châu Âu tổ chức 4 năm 1 lần bởi Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA).[1] Để kỷ niệm "sinh nhật" lần thứ 60 của Giải vô địch châu Âu, cựu chủ tịch UEFA Michel Platini đã nói rằng giải đấu tổ chức ở 1 số quốc gia như là 1 sự kiện 1 lần "trong mơ", với 11 thành phố thuộc 11 quốc gia UEFA, mỗi thành phố có một địa điểm tổ chức giải đấu.[2] Đương kim vô địch lúc đó là Bồ Đào Nha, đội giành chức vô địch giải vô địch bóng đá châu Âu 2016 trước đội chủ nhà Pháp, đã bị loại sau khi thất bại trước Bỉ ở vòng 16 đội.[3] Ý đã giành chức vô địch lần thứ hai trong lịch sử sau khi vượt qua Anh trong trận chung kết bằng loạt đá luân lưu 11m sau khi hai đội hòa nhau với tỉ số 1–1 sau 120 phút thi đấu chính thức.
Do đại dịch COVID-19 tại châu Âu vào năm 2020 nên giải đấu đã bị lùi sang mùa hè năm 2021,[5] nhưng vẫn giữ tên gọi UEFA Euro 2020 cũng như các địa điểm tổ chức ban đầu.[6] Bên cạnh những quy định đặc biệt nhằm phòng chống dịch COVID-19, UEFA cũng đã cho phép tăng số cầu thủ dự bị được phép vào sân trong một trận đấu,[7] và lần đầu tiên sử dụng hệ thống trợ lý trọng tài video (VAR) tại giải vô địch bóng đá châu Âu.[8]
Ban đầu, 13 địa điểm đã được chọn để tổ chức giải đấu, nhưng sau đó 2 chủ nhà đã bị loại bỏ: Grimbergen (Bruxelles) vào tháng 12 năm 2017 sau khi sân Eurostadium không thể được xây dựng,[9] và Dublin vào tháng 4 năm 2021 do không thể đảm bảo được việc khán giả có thể tới sân vì dịch. Ban đầu, Tây Ban Nha muốn tổ chức giải đấu tại Bilbao nhưng sau đó đã chuyển sang Sevilla để cho phép các khán giả có thể vào sân xem trận đấu.[10] UEFA chọn sân vận động Olimpico ở Roma để tổ chức trận đấu mở màn giữa Ý và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi sân vận động Wembley ở Luân Đôn lần thứ 2 được tổ chức các trận bán kết và chung kết,[11] trước đây đã từng làm điều này tại giải đấu năm 1996 trên nền sân vận động cũ.
Đây là giải đấu nhận được sự ủng hộ của người hâm mộ và các bình luận viên, với số bàn thắng nhiều nhất trong một trận đấu ở giải vô địch châu Âu kể từ vòng bảng, và chỉ có hai trận đấu không có bàn thắng. Phong cách cầm còi cũng nhận được sự tán dương nhiệt liệt, với việc hạn chế sử dụng VAR và những quyết định của họ cũng được thực hiện một cách nhanh chóng trên sân. Ngoài ra, giải đấu này còn chứng kiến những điều khó tin khi các đội bóng lớn như Bỉ, Hà Lan, Thụy Điển, và Pháp đã thua trước những đội bóng xếp hạng thấp hơn, và chứng kiến 11 pha phản lưới nhà, nhiều hơn cả số lần phản lưới nhà của các kì Euro trước đó cộng lại.